Gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại máy cạo mủ cao su nhập từ nước ngoài được giới thiệu có nhiều tính năng ưu việt hơn dao cạo mủ truyền thống. Liệu loại dao – máy cạo mủ có hiệu quả và có giảm bớt sức lao động của con người hay không là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Để có được cái nhìn đa chiều,
Máy được giới thiệu nhiều ưu điểm
Tại hội nghị của một đơn vị trong ngành vừa qua, đại diện doanh nghiệp đến từ Trung Quốc đã giới thiệu máy cạo mủ này. Theo đó máy có ưu điểm đa năng, gọn nhẹ, cơ động, dễ sử dụng, hiệu suất lao động cao, góp phần cơ giới hóa quy trình khai thác. Máy có tính năng tự động và có thể điều chỉnh độ hao dăm, độ dày mỏng của lưỡi dao, độ sâu, khoảng cách để tránh bị cạo phạm…
Máy cạo
mủ cao su được cấu tạo đơn giản và gọn nhẹ (khoảng 350gram), vận hành bằng pin, một lần sạc đầy pin có thể dùng liên tục cho 4 tiếng đồng hồ, nếu đang cạo máy hết pin cũng có thể cạo như dao cạo mủ truyền thống.
Theo lời giới thiệu, sử dụng máy cạo mủ cao su cho năng suất tăng lên với các ưu điểm: Không đau nhức cơ thể, không gây căng cơ, mỏi mắt, không cần thuê công nhân cạo mủ lành nghề.
Máy có cấu tạo bao gồm: 1 thân máy cạo mủ; 2 lưỡi dao cạo; Pin lithium 2000mAh; 1 củ sạc; bộ điều chỉnh độ dày; Khóa lục giác. Các bộ phận chính cấu tạo của máy có thể sử dụng được từ 3 đến 5 năm. Chi phí bảo trì máy cạo mủ rẻ hơn nhiều so với dao cạo mủ truyền thống.
Máy được rao bán với giá từ 2,5 triệu – 4,5 triệu/máy. Trao đổi sơ bộ với PV Tạp chí Cao su VN tại buổi giới thiệu, một số chuyên gia cho rằng, tính về bài toán khấu hao sau khi sử dụng của máy thì giá này ở mức chấp nhận được, tuy nhiên, để tính đến hiệu quả năng suất là bài toán lâu dài. “Cần từ 2.000 – 5.000 máy trang bị cho các công nhân trên diện rộng, sử dụng trong vòng từ 3 – 6 tháng trở lên, để các chuyên gia kỹ thuật tính toán năng suất thì mới đánh giá được hiệu quả của máy”, một chuyên gia nhận xét.
Ông Lê Minh Châu – Nguyên Phó TGĐ VRG: “Nghề cạo mủ cao su là một nghề đặc thù. Trong đó, sự khéo léo, tay nghề của CN là yếu tố rất quan trọng. Vườn cây có năng suất cao, chất lượng tốt phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống, phương pháp chăm sóc, phân bón, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trên vườn cây… và đặc biệt vườn cây có ổn định dài lâu hay không còn phụ thuộc vào tay nghề của người thợ cạo. Hiện nay, trên thế giới đã có một số nước phát minh, sáng chế ra máy cạo mủ, giúp công việc của CN cao su bớt nặng nhọc hơn. Nhưng tôi cho rằng, đôi tay của người CN vẫn là nhất, khi có trình độ tay nghề cao, thực hiện đúng các thao tác kỹ thuật trên vườn cây sẽ góp phần vào việc nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây. Và không máy móc nào có thể thay thế được đôi tay khéo léo của CN cao su”.
Anh Phạm Văn Thông – Giám đốc NT Bachiang 1, Công ty TNHH Cao su Việt – Lào: “Theo tôi thấy máy cạo mủ tự động thật sự chỉ mới đáp ứng được khâu thử nghiệm thôi, chứ chưa thể thay thế cho con người được. Thứ nhất, tốc độ chưa được nhanh. Thứ hai, máy không có khâu sủi hậu, nên bỏ lượng mủ khá lớn ở phần miệng hậu. Thứ ba, khi miệng cạo còn mủ dây thì sẽ rất khó cạo và sẽ ảnh hưởng đến dăm cạo. Thứ tư, lớp da thượng tầng ở mỗi giống khác nhau và ở mỗi độ tuổi là khác nhau nên việc điều chỉnh để đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật là rất khó”.
Anh Trần Văn Diệu – Công nhân khai thác tổ 1, NT Trần Văn Lưu, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng (giải nhì Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ ngành cao su năm 2016, Bàn tay vàng cấp công ty): “Theo tôi, thì máy cạo mủ cao su tự động không hiệu quả, thao thác không nhanh, khi cầm máy sẽ vướng hơn khi cầm dao cạo. Giống cao su hiện nay đa dạng, độ tuổi khác nhau, có độ dày lồi lõm không đồng đều nên công nhân sử dụng dao cạo mới kiểm soát, tránh bị phạm hoặc dao cắt. Hơn nữa, công nhân từ lâu thao tác sử dụng dao cạo quen tay, nên giờ sử dụng máy sẽ bỡ ngỡ và năng suất giảm”.
Chị Phạm Thị Vân – Tổ trưởng Liên Tổ 2, NT Tân Thành, Công ty CPCS Đồng Phú: “Theo tôi, không có máy cạo nào bằng đôi tay người công nhân hết. Nếu về các lĩnh vực khác, sử dụng máy có thể hiệu quả và cải thiện năng suất lao động. Riêng cạo mủ cao su đòi hỏi phải có kỹ thuật và mỗi cây, mỗi giống cao su có độ dày cạo khác nhau. Bên cạnh đó, nếu so về hiệu quả kinh tế, giá thành một con dao cạo khoảng 100.000 ngàn đồng, trong khi giá máy cạo mủ tự động từ 2,5 triệu đến 4,5 triệu, thì chênh lệch quá lớn”.
Chị Trịnh Thị Xuân Hương – Công nhân khai thác đội 8, NT Lai Uyên, Công ty CPCS Phước Hòa: “Tôi thấy cạo máy sẽ không bằng công nhân cạo tay. Vì cạo tay người công nhân kiểm soát được độ dốc, độ sâu của đường cạo và lớp da phủ. Tôi nghĩ, cạo máy chỉ dùng cho cây không bị lỗi thôi, cây có mắt ngầm hoặc u sần thì không cạo được. Hơn nữa, cây cao su đa dạng về giống và độ tuổi, chỉ có người công nhân mới theo sát vườn cây của mình mà máy thì không làm được”.