Giá mủ cao su giảm, Doanh nghiệp thận trọng

15/05/2018
Giá mủ cao su giảm, Doanh nghiệp thận trọng
Trong bối cảnh giá cao su đi xuống ngay từ đầu năm, nhu cầu tiêu thụ yếu, các doanh nghiệp ngành này đều tỏ ra thận trọng trong việc đặt kế hoạch, với các con số doanh thu, lợi nhuận giảm.
 Giá cao su giảm sâu
 
Thị trường cao su Việt Nam đang trong giai đoạn trầm lắng khi cây cao su ở thời kỳ rụng lá, hoạt động khai thác mủ tạm dừng. Cùng với đó, bối cảnh thị trường thế giới cũng có phần ảm đạm, khi giá cao su rơi xuống mức thấp, tồn kho hàng cao và nhu cầu tiêu thụ yếu.
 
Thực tế, ngay từ những ngày đầu năm, bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp ngành cao su đã ít điểm sáng. Xuất khẩu cao su của Việt Nam ở trong tình trạng tăng về số lượng nhưng sụt giảm về giá trị, do giá cao su xuất khẩu đi xuống cùng đà rơi của thị trường thế giới.
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ước tính, đến hết tháng 4/2018, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 331 nghìn tấn, trị giá 486 triệu USD, tăng 10% về lượng, nhưng giảm gần 20% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân là giá xuất khẩu cao su các loại giảm từ 25 – 30% so với năm ngoái.
 
Trong đó, trường hợp điển hình nhất là cao su tổng hợp, khi xuất khẩu 127,3 nghìn tấn trong quý I, thu về 186,9 triệu USD, giảm 5,1% về lượng nhưng tụt tới 33,1% giá trị.
 
Từ nay đến hết năm, các chuyên gia kinh tế lo ngại, xu hướng giá thấp sẽ còn duy trì một thời gian nữa. Khả năng cao giá mủ sẽ chỉ xoay quanh mức từ 36 đến 37 triệu đồng/tấn.
 
Thận trọng với kế hoạch kinh doanh
 
Trước diễn biến thực tế kể trên, các công ty kinh doanh cao su khá thận trọng khi đưa ra kế hoạch tăng trưởng năm 2018. Theo đó, CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) đặt mục tiêu tổng doanh thu năm nay đạt 498 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 113 tỷ đồng, lần lượt giảm 1% và 31,5% so với năm trước.
 
Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận của TRC đều đi xuống. Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018 cho thấy, doanh thu của Công ty đạt hơn 82 tỷ đồng; lãi gộp đạt 11,3 tỷ đồng, giảm lần lượt 4,3% và 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận giảm mạnh xuất phát từ giá cao su lao dốc trên toàn cầu. Cùng với đó, trong kỳ, chi phí tài chính của TRC tăng hơn 4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Tương tự, CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) cũng không đặt kế hoạch doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng trong năm nay. Cụ thể, theo kế hoạch, doanh thu bán hàng năm 2018 giảm 12,5%, ước đạt 731,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 205 tỷ đồng, giảm 24% so với thực hiện năm 2017.
 
Về giá bán, DPR thận trọng khi đưa ra giá bán cao su bình quân năm 2018 ở mức 36,56 triệu đồng/tấn, giảm 8,4% so với giá bán bình quân năm 2017 (39,9 triệu đồng/tấn).
 
Trong ba tháng đầu năm, doanh thu bán hàng của DPR tăng chỉ 3,1%, đạt 251,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 100 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sở dĩ doanh thu tăng nhẹ nhưng lãi của DPR tốt hơn là do trong kỳ, Công ty đã giảm được áp lực về chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp, mức giảm lần lượt 3,8% và 18,8%.
 
Tính đến ngày 31/3/2018, Cao su Đồng Phú có hơn 104 tỷ đồng hàng tồn kho, tập trung chủ yếu ở sản phẩm thành phẩm chưa xuất được (khoảng 50 tỷ đồng) và nguyên liệu, vật liệu tồn kho (hơn 22 tỷ đồng). Bước sang quý II, doanh nghiệp này cũng gặp tình cảnh khó khăn chung khi giá cao su của thế giới sụt giảm mạnh.
 
Năm 2018, CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) đề ra kế hoạch kinh doanh dựa trên giá bán bình quân 37 triệu đồng/tấn, giảm 3 triệu đồng/tấn so với mức bình quân năm 2017 là 40,39 triệu đồng/tấn.
 
Cao su Phước Hòa đặt kế hoạch năm 2018 đạt tổng doanh thu 1.605 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng. Trong đó, 3 tháng đầu năm, PHR lãi 64 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái) và đạt 20% kế hoạch năm. Dù vậy, Chủ tịch HĐQT PHR, ông Lê Phi Hùng vẫn thận trọng đặt kế hoạch kinh doanh trong quý II/2018 với giá bán cao su thành phẩm là 36 triệu đồng/tấn, doanh thu kinh doanh cao su đạt 180 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng.
 
Mới đây trong một hội nghị, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam nhấn mạnh, Tập đoàn sẽ chỉ đạo các công ty cao su căn cứ tình hình thời tiết và thực tế kinh doanh để có kế hoạch phù hợp, đồng thời tăng cường công tác mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh kinh doanh, tiêu thụ đạt hiệu quả cao. Đi kèm với đó là các giải pháp nâng cao chất lượng, chủng loại sản phẩm cao su.
 
Cùng câu chuyện vượt qua khó khăn về giá bán, trong quý II, các doanh nghiệp cao su cũng đặc biệt lưu tâm đến công tác phòng chống cháy nổ vào mùa khô, khắc phục thiên tai gãy đổ vườn cây cao su và có biện pháp phòng trị bệnh vườn cây đạt hiệu quả để nâng cao giá trị sản phẩm.
 
Lãnh đạo các doanh nghiệp cao su đang mong chờ thời gian tới diễn biến tình hình thị trường có thể tốt hơn. Hiện giá bán cao su thành phẩm đang dao động quanh mốc 35 triệu đồng đến 36 triệu đồng/tấn.
CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ HUY HOÀNG MINH
Trụ sở: 1/18 Trần Bình Trọng, P.5, Q. Bình Thạnh, Tp HCM
VPGD: 499/9 Lê Quang Định, P.1, Q. Gò Vấp, Tp HCM
Hotline: 0908961396 - Kỹ thuật: 0913 5454 82 - CSKH: 028 3601 8286
 
          

SỰ HÀI LÒNG CỦA QUÝ KHÁCH LÀ THÀNH CÔNG CỦA CHÚNG TÔI
Minh Hằng
tinnhanhchungkhoan