Tình trạng thiếu công nhân (CN) khai thác mủ của các công ty cao su (CTCS) tại Campuchia (CPC) ngày càng gay gắt, khi các công ty đưa vườn cây vào khai thác tăng nhanh. Giải pháp nào khắc phục tình trạng này?
Càng mở cạo nhiều, càng thiếu hụt lao động
Thiếu CN khai thác mủ là nỗi lo không của bất cứ công ty nào, mà là tình trạng chung của hầu hết các CTCS tại CPC. Nỗi lo này càng nặng hơn khi diện tích
cao su đưa vào khai thác của các CTCS ở CPC tăng theo cấp số nhân mỗi năm.
Cụ thể, 8 CTCS thuộc Khối số 1 tại CPC (Bà Rịa – Kampong Thom, Phước Hòa – Kampong Thom, Tân Biên – Kampong Thom, Chư Sê – Kampong Thom, Mê Kông – Kampong Thom, C.R.C.K, Tây Ninh – Siêm Riệp, Bean Heak – Kampong Thom) có tổng diện tích vườn cây là 52.915 ha. Nếu như năm 2016 toàn Khối mới chỉ có 2.500 ha cao su khai thác thì năm 2017, Khối đã đưa thêm tới 10.184 vào mở cạo. Năm 2018, diện tích cao su đưa vào mở cạo của các CTCS trong Khối tiếp tục tăng gần gấp đôi, từ 12.605 ha lên 21.715 ha.
Diện tích khai thác tăng, một số nhà máy đã, đang và sẽ được xây dựng kéo theo nhu cầu lao động tăng cao, nhất là CN khai thác. Tổng số CN (xây dựng cơ bản, khai thác, chế biến) của 8 CTCS trong Khối năm 2017 là 4.628 người. Nhu cầu lao động theo tính toán có thể tăng gấp đôi năm 2018, trong đó chủ yếu là lao động trực tiếp thuộc lĩnh vực khai thác mủ. Để tìm được số lao động này là bài toán nan giải đối với các công ty bên cạnh việc giữ chân được số CN đã tuyển dụng, khi mà sự biến động lao động hiện nay đang rất phổ biến.
Theo đánh giá của lãnh đạo các CTCS ở CPC, năng lực vườn cây ở CPC là rất tốt, nhưng do lao động không ổn định và năng suất lao động thấp nên rất khó để có năng suất vườn cây cao. Bởi vậy, khi tính toán tới năng suất vườn cây và sản lượng khai thác tại CPC, phải tính tới yếu tố lao động.
Ông Nguyễn Duy Linh – TGĐ CTCS Chư Sê –Kampong Thom, chia sẻ: “Thiếu CN khai thác mủ thực sự là vấn đề đáng lo, không chỉ Chư Sê – Kampong Thom mà với tất cả các CTCS ở CPC. Đặc biệt trong năm 2018 và những năm tới, các công ty đồng loạt đưa vườn cây vào khai thác thì tình trạng thu hút, cạnh tranh lao động càng trở nên gay gắt hơn”.
Ông Nguyễn Văn Thắng – Phó TGĐ CTCS Tân Biên- Kampong Thom, cho biết: “Năm 2018, với 6.600 ha cao su kinh doanh, công ty được giao khai thác 7.400 tấn mủ. Nhu cầu CN khai thác mủ của công ty là 1.200 người, nhưng hiện công ty chỉ mới tuyển được hơn 800 người, thiếu gần 500 người. Ngay số 800 CN đã tuyển dụng cũng có sự biến động chứ không ổn định. Năng suất lao động cũng còn thấp, do số ngày nghỉ của CN còn khá nhiều, rơi vào các trường hợp như ngày lễ Tết, ma chay, cưới hỏi, nghỉ làm sau khi nhận lương…”.
Chung tình trạng như vậy là ở CTCS Bà Rịa – Kampong Thom. Ông Phùng Thế Minh –TGĐ công ty, nói: “Tổng số lao động khai thác mủ của công ty hiện nay là 580 người. Năm 2017 có 15 người nghỉ việc. Hiện công ty thiếu khoảng 50 người so nhu cầu. Hiện nay chúng tôi đang tìm kiếm tuyển dụng thêm, trước mắt đáp ứng nhu cầu năm nay, sau đó là đào tạo cho những năm tiếp theo”.
Lãnh đạo một số CTCS ở CPC cho biết, số ngày nghỉ hưởng lương trong năm của CN người CPC bình quân lên đến 28 ngày. “Có những đám tang có tới gần 90 CN xin nghỉ làm để dự. Chúng tôi phải đến tận nơi giải thích, vận động, thuyết phục bằng nhiều cách để họ quay trở lại làm việc”, ông Minh cho hay.
Giải pháp nào tháo gỡ?
Năm 2017 có thể xem là năm bước ngoặt trong chương trình phát triển cao su của VRG tại CPC, khi đây là năm các dự án đưa vào khai thác với quy mô lớn, chính thức chuyển sang giai đoạn khai thác – kinh doanh.
Bên cạnh việc giải quyết những vướng mắc và hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án, các công ty đã rất chủ động trong việc tìm kiếm, tuyển dụng, đào tạo, bố trí lao động. Lãnh đạo VRG, mà trực tiếp là Thường trực Ban chỉ đạo phát triển cao su tại CPC cũng rất tích cực quan tâm, chỉ đạo sâu sát và kịp thời hỗ trợ các đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ SXKD, trong đó có công tác lao động.
Tại CPC, khâu tuyển dụng đã khó, việc giữ chân người lao động để ổn định sản xuất cũng không hề đơn giản. “Lao động người CPC có thói quen nghỉ kéo dài trong những dịp lễ Tết, ma chay, cưới hỏi… Để thay phong tục tập quán này không thể ngày một ngày hai”, ông Nguyễn Văn Toàn – TGĐ CTCS Mê Kông – Siêm Riệp, cho hay.
Để giải quyết bài toán thiếu lao động khai thác, các CTCS đã chủ động tìm kiếm nguồn cung cấp lao động để kịp thời thu tuyển, đào tạo, bố trí, thay thế. Ngoài việc đào tạo khi tuyển mới, các công ty còn chú trọng khâu kiểm tra lỗi kỹ thuật để kịp thời uốn nắn, đào tạo thêm, đào tạo lại những CN còn yếu tay nghề.
Các CTCS tại CPC đã thực hiện tiến hành đăng ký nội quy doanh nghiệp, bảng lương tại cơ quan chức năng địa phương. Ký hợp đồng lao động, làm sổ lao động, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho CN. Để chủ động trong công tác thu tuyển lao động, một số công ty thực hiện đưa vào khai thác rãi vụ, chủ yếu là tháng 9 hàng năm trở đi. Các CTCS tại CPC cũng thực hiện tốt việc trả lương và các chế độ chính sách cho người lao động.
Bên cạnh nỗi lo thiếu lao động trực tiếp người CPC, mà các CTCS ở CPC còn đối mặt với tình trạng thiếu hụt cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật người Việt, bởi sau một số năm công tác xa nhà, không ít người bày tỏ nguyện vọng được trở về gia đình.
“Chúng tôi đảm bảo chi trả lương thưởng và các chế độ khác đầy đủ, kịp thời. Quy chế thưởng – phạt cũng rõ ràng, nghiêm minh. Qua đó tạo niềm tin cho người lao động”, ông Phùng Thế Minh – TGĐ CTCS Bà Rịa – Kampong Thom, khẳng định.
Nhằm thu hút và để người lao động yên tâm, tin tưởng, gắn bó lâu dài, các CTCS tại CPC rất chú trọng việc xây nhà cửa và các tiện ích sinh hoạt đi kèm như kéo điện, đào giếng, xây chùa, trường học…, để người CN “an cư lạc nghiệp”.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – TGĐ Công ty Bean Heak, cho biết: “Hiện công ty đã xây dựng 34 căn nhà cho CN và sẽ tiếp tục xây thêm trong thời gian tới nhằm thu hút và giữ chân người lao động”. Tương tự, tại CTCS Bà Rịa- Kampong Thom, công ty đã xây dựng 80 căn nhà đôi và đang tiếp tục xây thêm. Tại các khu nhà này đều được kéo điện, đào giếng, sân chơi thể thao, làm đường giao thông hoàn chỉnh… Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số CTCS ở CPC cho rằng, tình trạng thiếu ổn định lao động tại các dự án trồng cao su, đôi khi do chính các CTCS cạnh tranh, thu hút lẫn nhau. Nguyên nhân là do thiếu sự trao đổi thông tin và thống nhất về một số chế độ chính sách cho người lao động.
Ông Nguyễn Văn Luyến – TGĐ CTCS Phước Hòa – Kampong Thom, kiến nghị: “Các công ty trong cùng một khu vực nên có sự trao đổi thống nhất về việc chi trả các chế độ chính sách sao cho tương đồng, tránh nơi cao, nơi thấp, người lao động dễ nảy sinh tâm lý so bì, “nhảy việc”.
Ý kiến này nhận được sự đồng tình của lãnh đạo các công ty. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, lao động sau khi nhận vào làm CN ở công ty này, nghe nói ở công ty khác ở gần đó trả lương, chế độ cao hơn thì “nhảy việc”. Đến khi vào làm thấy không như thông tin ban đầu lại tiếp tục “đứng núi này trông núi nọ”, vì vậy sự biến động lao động rất cao. Tình trạng này đều khiến các công ty gặp khó khăn.