Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ giúp ngành cao su Việt Nam đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, mở rộng thị trường, cũng như nâng cao giá trị gia tăng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) cao su cũng phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt.
Nhiều cơ hội và triển vọng
CPTPP mang đến cho ngành
cao su nhiều cơ hội, tiềm năng và triển vọng. Đối với cao su thiên nhiên (CSTN), CPTPP sẽ đưa thuế nhập khẩu CSTN của VN từ 3% giảm còn 0%. Đối với sản phẩm cao su, mỗi nước thành viên CPTPP có lộ trình cắt giảm riêng cho từng nhóm sản phẩm và sẽ loại bỏ hoàn toàn thuế quan trong vòng 16 năm sau khi CPTPP có hiệu lực. Do đó, CPTPP tạo cơ hội cho sản phẩm cao su VN mở rộng
thị trường đến các nước mà công nghiệp chế biến cao su chưa phát triển nhiều như Peru, Chile, Brunei, New Zealand, Úc. Đồng thời, VN có thể nhập khẩu cao su tổng hợp, máy móc thiết bị hiện đại từ các nước có thế mạnh như Nhật Bản, Canada, Singapore với mức thuế 0%, nhờ vậy sẽ giúp DN giảm giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đối với sản phẩm gỗ cao su, nhu cầu của thị trường đang tăng nhanh khi xu hướng sử dụng rừng trồng được khuyến khích ở nhiều nước. Đây là nhóm sản phẩm mà ngành cao su ít gặp sự cạnh tranh với các nước thành viên CPTPP, ngay cả với Malaysia là nước phát triển mạnh về sản phẩm gỗ cao su, nhờ giá của VN thấp hơn. Được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% đối với nguyên vật liệu và thiết bị cao cấp cần cho công nghiệp chế biến gỗ, sẽ giúp ngành gỗ cao su VN giảm giá thành, chuyển đổi sang công nghệ tiến bộ và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Công nghiệp hỗ trợ với những sản phẩm linh kiện cao su cho ngành ô tô và nhiều ngành công nghiệp khác của VN có cơ hội phát triển nhanh hơn nữa nhờ nguyên vật liệu và thiết bị, máy móc cao cấp được nhập khẩu với mức thuế 0%, cũng như sản phẩm từ công nghiệp hỗ trợ của VN có nhiều triển vọng mở rộng sang các nước CPTPP.
Các cơ hội khác mang đến từ CPTPP và FTA cho ngành cao su còn là triển vọng về đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, CPTPP tạo sự thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào VN để hợp tác liên doanh sản xuất sản phẩm cao su khi thuế nhập khẩu các nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị vào VN giảm dần đến mức 0%, tạo điều kiện khai thác dịch vụ tại các khu công nghiệp trên đất cao su. Đồng thời, thúc đẩy ngành cao su tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng trong nước và quốc tế từ khâu cung cấp nguyên liệu CSTN đến sản xuất thành phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Doanh nghiệp cao su cần hội nhập sâu rộng để hạn chế thách thức
Bên cạnh cơ hội, ngành cao su VN phải đối mặt với nhiều thách thức. Chính sách thuế nhập khẩu của CPTPP sẽ dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt cho CSTN VN ngay trên “sân nhà” với cao su nhập khẩu từ các nước trong khu vực, trong khi việc xuất khẩu cao su VN đang gặp nhiều khó khăn do giá thấp và cung vượt cầu trên thế giới.
VN sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của những nước có ngành công nghiệp chế biến cao su phát triển mạnh như Nhật Bản, Canada, Malaysia, Mexico, Singapore với sản phẩm giá rẻ hơn khi thuế nhập khẩu bằng 0%. Ngoài ra, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu có yêu cầu chất lượng cao cũng sẽ là rào cản cần vượt qua để tận dụng cơ hội thuế giảm.
Song song đó, DN VN đứng trước nguy cơ sản phẩm cao su của công nghiệp hỗ trợ từ các thành viên CPTPP, đặc biệt từ Nhật Bản, Malaysia dễ dàng thâm nhập vào thị trường trong nước, gây áp lực cạnh tranh rất lớn.
Theo quy định của hiệp định CPTPP chỉ những sản phẩm đáp ứng các quy tắc xuất xứ trong CPTPP mới được hưởng thuế suất ưu đãi. Do vậy, DN cao su cần nắm bắt về các quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ trong CPTPP đối với các sản phẩm của ngành cao su.