Với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, chủ rừng trồng cao su nắm rõ những yêu cầu cơ bản cần đáp ứng trong hệ thống quản lý rừng trồng để được cấp chứng chỉ rừng theo mong muốn, ngày 12/6, VRG, VRA và WWF phối hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Sổ tay hướng dẫn quản lý rừng trồng cao su bền vững.
Ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su VN (VRA), cho biết hội thảo là kết quả của quá trình hợp tác giữa VRG, VRA và Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam. Trước đó, vào tháng 7/2017 tại Hội thảo “Thúc đẩy rừng trồng
cao su bền vững và chứng chỉ FSC cho các công ty cao su tại VN”, đã tạo tiền đề cho việc khảo sát tiềm năng thực hiện chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.
“Đến tháng 11/2017, nhóm chuyên gia soạn thảo bắt tay xây dựng dự thảo của Sổ tay hướng dẫn quản lý rừng trồng cao su bền vững theo tiêu chuẩn chứng chỉ rừng quốc tế. Sau khi tham vấn qua trao đổi trực tiếp với một số doanh nghiệp, dự thảo Sổ tay hướng dẫn tiếp tục được bổ sung, sửa đổi, lấy ý kiến tại hội thảo lần này”, ông An cho hay.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG, cho rằng thực tế ngày càng nhiều khách hàng tiêu thụ cao su thiên nhiên và gỗ cao su đòi hỏi người cung cấp cần chứng minh đã đạt được và duy trì liên tục chứng chỉ rừng trồng cao su bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.
“Tuy có nhiều đóng góp về kinh tế, xã hội và môi trường, nhưng cây cao su vẫn còn một số hạn chế theo quan điểm phát triển bền vững của thế giới ngày nay, chưa đáp ứng được những tiêu chí về đa dạng sinh học. Vì vậy, để đáp ứng xu thế mới, trong những năm gần đây VRG, VRA đã có nhiều nỗ lực trong việc hợp tác với các tổ chức về phát triển bền vững. Việc tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn và chuẩn bị xuất bản là mong muốn cung cấp thông tin, tài liệu hướng dẫn về phát triển bền vững, hướng đến xây dựng kế hoạch hành động cụ thể cho ngành cao su VN”, ông Trung nói.
Theo tiến sỹ Lê Khắc Côi – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội chủ rừng Việt Nam, thành viên ban biên soạn Sổ tay, ngành cao su VN có diện tích 976.400 ha và sản lượng mủ trên 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 2,5 tỷ USD và gỗ cao su tái canh trên 1,9 tỷ USD đã gia nhập rất sâu vào
thị trường quốc tế, vì thế ngành cao su VN dù muốn hay không phải điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững của thế giới.
“Nói một cách khác, chỉ khi rừng trồng cao su Việt Nam được quản lý bền vững về kinh tế, môi trường, xã hội thì ngành cao su mới có thể duy trì và phát triển được thị phần về mủ và gỗ có được từ cao su tái canh trên thị trường quốc tế; huy động thêm vốn đầu tư, phát triển mở rộng; duy trì và cải thiện điều kiện sống cho hàng trăm ngàn người lao động”, tiến sỹ Côi nhấn mạnh.
Ban biên soạn Sổ tay cho hay, sau khi ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, ban sẽ tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật thông tin, sau đó Nhóm soạn thảo hoàn chỉnh Sổ tay và sớm phát hành rộng rãi đến các doanh nghiệp và các tổ chức.