Bài viết “Viết tiếp giá trị truyền thống” kể về gia đình anh Võ Quốc Khánh và chị Nguyễn Thị Thu Thanh, Đội 1, NT Bố Lá, Công ty CPCS Phước Hòa là một trong những gia đình công nhân (CN) cao su 3-4 thế hệ gắn bó với ngành (đăng trên Tạp chí Cao su VN số Xuân Đinh Dậu), đã gợi cho nhiều bạn đọc bày tỏ suy nghĩ về nghề nghiệp CN cao su với những đặc thù riêng.
Bạn Vycute Nguyen cho rằng, nghề CN
cao su khác với bất cứ ngành nghề khác, do có tính đặc trưng, đặc thù riêng mà không dễ gì các ngành khác có được. “Đặc trưng mình thường thấy đó là tính truyền thống cha truyền con nối, thế hệ đi trước sẽ dạy lại cho thế hệ sau những kinh nghiệm trong công việc. Đó là trong những lúc các con đi theo phụ ba mẹ, lúc đầu chỉ là công việc đơn giản như trút mủ, tháo mủ dây, vệ sinh tô, dần dần cạo phụ ba mẹ những lúc ba mẹ bận. Hiếm khi CN cạo mủ hay khai thác đi tập huấn hay học trường nghề, nghề tự dạy nghề thôi, thế hệ trước dạy thế hệ sau. Chứ các nghề khác như may, lái xe, giáo viên…. thì phải qua trường lớp, còn CN cao su thì không cần, trừ mấy người mới biết cạo”.
Tuy nhiên, theo Vycute Nguyen, để giữ tính truyền thống này rất khó, bởi CN trẻ bây giờ có nhiều lựa chọn, bản thân họ biết cạo, phụ cạo nhưng không chịu làm CN. “Có 3 nguyên nhân đó là lương + môi trường làm việc + áp lực sản lượng khiến CN trẻ đắn đo. Vì họ đã đi theo ba mẹ cạo từ nhỏ, họ hiểu hết mọi khó khăn, áp lực, môi trường làm việc (làm việc đêm tối, rắn, kim tiêm, bò cạp, cướp, quần áo dơ bẩn … ) nên họ ngại lắm. Lương chỉ là yếu tố phụ, quan trọng là 2 cái kia thôi”, Vycute Nguyen viết.
Phản hồi ý kiến này, bạn Nguyễn Củ Cải, cho rằng, CN cao su có nhiều thuận lợi hơn những ngành khác như nghỉ cạo không bị trừ lương gấp 2,3 như CN xí nghiệp. Khi có việc bận có thể thuê cạo, trút mủ. Nếu đi cạo ban đêm thì ban ngày được nghỉ ngơi. Còn mặc quần áo dơ bẩn lao động là tất nhiên. Cũng là CTV của Tạp chí CSVN, Nguyễn Củ Cải cho biết “Nghề này có những cái hay mà các ngành nghề khác chưa có, mình đang phát triển thành bài viết về đề tài này”.