Cao su Việt Nam năm 2017: Xuất khẩu nhiều, nhập khẩu cũng cao

04/01/2018
Cao su Việt Nam năm  2017: Xuất khẩu nhiều, nhập khẩu cũng cao
Mặc dù năm 2017, xuất khẩu cao su cao hơn gần 100 ngàn tấn so với dự báo và tăng 11% so với năm 2016, song lượng cao su nhập khẩu cũng tăng 28,5% so với năm ngoái. Đó là thực trạng của ngành cao su cho dù Việt Nam là nước xuất khẩu cao su đứng thứ 3 trên thế giới.
 Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính khối lượng cao su xuất khẩu năm 2017 đạt 1,39 triệu tấn và 2,26 tỷ USD, tăng 11% về lượng và 35,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
 
Trung Quốc đang dẫn đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay, với khối lượng đạt 785.807 tấn, trị giá 1,29 tỷ USD, tăng 19% về lượng và tăng 51,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016; chiếm tới 64% tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam. 
 
Đứng thứ 2 là Malaysia chiếm 5,6% trong tổng lượng và chiếm 5,2% tổng kim ngạch, đạt 67.633 tấn, trị giá 104,93 triệu USD, giảm 27% về lượng và giảm 8,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016. 
 
Tiếp sau là Ấn Độ đạt 47.137 tấn, trị giá 78,36 triệu USD, giảm 43,7% về lượng và giảm 30% về kim ngạch.
 
Riêng khối EU, xuất khẩu cao su sang thị trường này trong 11 tháng qua đạt 90.345 tấn, trị giá 154,88 triệu USD, tăng 14,8% về lượng và tăng mạnh 52,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. 
 
Tuy xuất khẩu cao su sang EU chỉ chiếm 7,4% trong tổng khối lượng và chiếm 7,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của cả nước, nhưng sắp tới, xuất khẩu cao su sang khu vực này sẽ gặp không ít khó khăn, vì EU vừa thông báo chính thức về việc đưa cao su thiên nhiên vào danh sách "hàng hóa nguyên liệu thô đặc biệt quan trọng" và nhấn mạnh sự cần thiết phải "đảm bảo nguồn cung an toàn, bền vững, giá cả phải chăng" cho ngành sản xuất công nghiệp tại EU.
 
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), tuy Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên nhưng hàng năm các doanh nghiệp trong nước vẫn phải nhập khẩu một số loại cao su nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất và chế biến. 
 
Phần lớn cao su nguyên liệu được nhập về để kinh doanh tạm nhập tái xuất và một phần đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất săm lốp ở Việt Nam.
 
Ước khối lượng nhập khẩu cao su trong năm 2017 lên đến 559 ngàn tấn, trị giá 1,09 tỷ USD, tăng 28,5% về lượng và 59,1% về giá trị so với năm ngoái. Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong năm 2017 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia và Thái Lan chiếm 54,5% thị phần.
 
Đại diện một số doanh nghiệp cao su cho biết, do cơ cấu chủng loại cao su trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu nên doanh nghiệp phải nhập khẩu để sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu. 
 
Ví dụ, lĩnh vực sản xuất vỏ xe, doanh nghiệp cần sử dụng chủng loại cao su SVR 20, RSS3... nhưng trong cơ cấu ngành cao su thiên nhiên Việt Nam thì những chủng loại này rất thấp. Ngược lại, chủng loại cao su SVL 3L trong cơ cấu ngành cao su thiên nhiên Việt Nam chiếm đến gần 50% thì nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước lại không có.
 
Do vậy, ngành cao su vẫn tồn tại một nghịch lý là xuất khẩu nhiều với giá trị thấp, nhưng lại tăng nhập khẩu cao su phục vụ chế biến sâu. Trong số cả triệu tấn mủ cao su/năm nhưng lượng hàng dùng chế biến sản phẩm cao su công nghiệp chỉ chiếm khoảng 20%. 
 
Ngành công nghiệp chế biến cao su chỉ tập trung ở một số lĩnh vực như sản xuất săm lốp, linh kiện kỹ thuật, găng tay, sợi thun... và chưa sản xuất được cao su tổng hợp nên toàn bộ phải nhập khẩu, còn đối với sản phẩm cao su kỹ thuật cao, đòi hỏi đầu tư công nghệ hiện đại, ít có doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính để đầu tư.
CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ HUY HOÀNG MINH
Trụ sở: 1/18 Trần Bình Trọng, P.5, Q. Bình Thạnh, Tp HCM
VPGD: 499/9 Lê Quang Định, P.1, Q. Gò Vấp, Tp HCM
Hotline: 0908961396 - Kỹ thuật: 0913 5454 82 - CSKH: 028 3601 8286
 
          

SỰ HÀI LÒNG CỦA QUÝ KHÁCH LÀ THÀNH CÔNG CỦA CHÚNG TÔI
Minh Thy
Vneconomy