Ghi nhận cho thấy, giá mủ cao su 5 tháng đầu năm 2018 ít có biến động; khối lượng cao su trong cả nước xuất khẩu tăng nhưng giá trị giảm. Các gia đình trồng cao su trên địa bàn tỉnh đang lo tình trạng này kéo dài cả năm.
Thu hoạch cầm chừng
Tại khu vực Đông Nam bộ, trong 5 tháng đầu năm 2018, các hộ trồng
cao su bán với giá 11.000 – 15.000 đồng/kg, riêng tháng 5 là 13.000 đồng/kg. Giá thấp khiến nhiều hộ trồng cao su ở các huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo… ngần ngại chưa khai thác. Ông Nguyễn Thành Lễ, ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, chia sẻ hiện cao su vừa qua mùa thay lá, cây cho mủ ít, chất lượng không cao, giá lại thấp nên nhiều hộ trồng cao su tiểu điền hạn chế khai thác mủ. Gia đình ông cũng chỉ thu hoạch mủ cầm chừng, chờ giá
mủ cao su tăng trong những tháng cuối năm mới tăng cường khai thác.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam tháng 5 năm 2018 ước đạt 93.000 tấn, giá trị đạt 133 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu cao su của cả nước ước đạt 424.000 tấn, giá trị đạt 620 triệu USD, tăng 17,4% về khối lượng nhưng giảm 12,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân giá mủ cao su sụt giảm ở
thị trường xuất khẩu thời gian gần đây là do lượng mủ cao su tồn kho tại Trung Quốc tăng, trong khi thị trường này chiếm gần 60% giá trị xuất khẩu mủ cao su của Việt Nam. Bên cạnh đó, trong 4 tháng đầu năm 2018, giá trị cao su ở một số thị trường nhập khẩu chính giảm, như thị trường Nga giảm mạnh nhất (-26,6%), tiếp đến là Hàn Quốc (-20,9%), Hoa Kỳ (-16,9%). Điều này làm ảnh hưởng đến
thị trường cao su trong nước, khiến nhiều hộ trồng cao tiểu điền “gác chén” chờ nhu cầu thị trường tăng trở lại trong những tháng cuối năm.
Giá mủ sẽ khả quan hơn?
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa có cái nhìn lạc quan, cho biết trong những tháng cuối năm
giá cao su sẽ tăng, bởi đây là thời điểm nhu cầu mủ cao su toàn cầu tăng. Tính đến tháng 5, công ty đã khai thác đạt hơn 40% kế hoạch đề ra. Còn đại diện Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng chia sẻ, theo kinh nghiệm, thị trường cao su sẽ sôi động trở lại vào những tháng cuối năm. Năm 2017, công ty khởi đầu kế hoạch sản xuất kinh doanh khá chậm chạp, nhưng đã hoàn thành kế hoạch khai thác mủ sớm trước 34 ngày.
Năm qua, lượng mủ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng khai thác được 28.500 tấn, đạt 114% kế hoạch; tổng doanh thu gần 2.300 tỷ đồng, đạt 123% kế hoạch; tổng lợi nhuận hơn 656 tỷ đồng; nộp ngân sách hơn 184 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty thu mua hơn 16.000 tấn mủ cao su tiểu điền, vượt gần 5.000 tấn so với kế hoạch. Thông qua các đại lý thu mua uy tín, mủ cao su của các gia đình nông dân được công ty thu mua với mức giá bình ổn, căn cứ theo mức giá chung của thị trường, bảo đảm quyền lợi cho người nông dân. Còn Công ty Cổ phần Cao su Bình Dương, năm 2017, công ty mua gần 4.000 tấn mủ cao su tiểu điền. Sản phẩm cao su tiểu điền của các gia đình nông dân ở huyện Bàu Bàng và khu vực lân cận đều được công ty thu mua, giá ổn định.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, từ đầu tháng 5-2018 đến nay, giá mủ cao su có xu hướng tăng. So với những ngày đầu tháng, thời điểm này giá mủ cao su nguyên liệu tại các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh tăng nhẹ (tăng khoảng 2.000 đồng/ kg so với cùng thời điểm năm 2017). Theo các chuyên gia, Bình Dương là một trong những địa phương làm rất tốt việc hỗ trợ thu mua mủ cao su tiểu điền. Chính vì thế, các gia đình nông dân trồng cao su trên địa bàn tỉnh cần bình tĩnh trước biến động của giá mủ cao su hiện nay. Có thể giá mủ cao su ít có biến động như trong hai năm 2016-2017, nhưng nhìn chung giá mủ cao su vẫn tăng nhẹ trong 6 tháng cuối năm.
Theo dự báo, triển vọng nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu năm 2018 tăng 4,5% so với năm 2017 (tăng từ 13,196 triệu tấn lên 13,784 triệu tấn). Tăng trưởng sản xuất cao su tự nhiên năm 2018 chậm lại chủ yếu do sản xuất cao su tự nhiên tại
Thái Lan được dự báo giảm 1,2%.