Với giá dầu thô đang tiến tới mốc 80 USD/thùng, cao su tự nhiên sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các ngành sản xuất liên quan đến cao su, bao gồm các nhà sản xuất lốp xe, giúp kéo giá cao su tự nhiên tăng.
Gần đây, giá
cao su tự nhiên tại Ấn Độ chạm mốc 120 Rupees/kg khi
giá dầu thô tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014.
Giá cao su tự nhiên tại Ấn Độ chạm mức cao kỷ lục 243 Rupees/kg vào năm 2011 khi giá dầu thô trung bình thế giới trên 100 USD/thùng. Kể từ đó,
giá cao su tự nhiên liên tục trong khuynh hướng giảm, chạm mức thấp nhất 95 Rupees/kg vào năm 2015.
Việc Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran đang đẩy giá dầu thô tiếp tục tăng. Giá cao su tự nhiên thế giới vừa chạm mức 1,74 USD/kg, trong khi tại Ấn Độ, giá cao su đạt 122 Rupees/kg đối với cao su RSS-4. “Rõ ràng nhu cầu đối với cao su tự nhiên đang tăng lên nhờ giá dầu tô và giá cao su tổng hợp cùng tăng”, theo N M Mathew, phó chủ tịch Viện Cao su Ấn Độ nhận định. Ông cho biết thêm rằng bất chấp các tháng mùa mưa sắp tới, sản xuất cao su tự nhiên Ấn Độ sẽ tăng nếu giá cao su tự nhiên tăng.
Bình luận về các yếu tố khác tác động lên giá cao su tự nhiên, N Rajagopal, thư ký Hội đồng Cao su Ấn Độ, cho rằng nhu cầu đối với cao su tự nhiên từ Trung Quốc và tỷ giá đóng vai trò quan trọng trong quyết định giá cao su tự nhiên. Trung Quốc là nước tiêu dùng cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, chiếm gần 40% tổng sản lượng cao su toàn cầu. Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng nhanh nhờ xuất khẩu, suy thoái kinh tế toàn cầu buộc nền kinh tế Trung Quốc phải chuyển đổi sang nền kinh tế dựa vào tiêu dùng, dẫn đến nhu cầu đối với cao su tự nhiên tăng chậm lại. Tuy nhiên, nhu cầu cao su tự nhiên của Trung Quốc hiện đang đi vào quỹ đạo ổn định nhờ nền kinh tế tăng trưởng ổn định trong vài quý vừa qua.
Đồng Rupee giảm giá so với đồng USD có thể giúp giá cao su tự nhiên Ấn Độ tăng và khiến các nguồn cao su tự nhiên nhập khẩu trở nên kém hấp dẫn hơn. Giá cao su tự nhiên thế giới cũng đang tăng.
Các nhà sản xuất công nghiệp tại Ấn Độ sẽ buộc phải dựa vào nguồn cao su tự nhiên nội địa để đáp ứng nhu cầu, qua đó mang lại lợi ích cho nông dân trồng cao su. Tuy nhiên, giá cao su mủ khối từ các
thị trường Đông Á đang giao dịch ở mức thấp hơn 0,37 – 0,44 USD/kg so với cao su mủ tờ Ấn Độ. Cao su mủ khối chiếm khoảng 70% lượng cao su nhập khẩu của các công ty sản xuất lốp xe tại Ấn Độ.
Siby Moniapally, thư ký Hiệp hội những người trồng cao su Ấn Độ cho biết Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang công bố các số liệu tăng trưởng kinh tế tích cực nên Hiệp hội dự báo nhu cầu đối với các hàng hóa như xe hơi sẽ tăng lên.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt của Ấn Độ dẫn đến nhu cầu đối với cao su tự nhiên tăng cao trong những năm gần đây, với tiêu dùng cao su nội địa đã vượt mức 1 triệu tấn. Tuy nhiên, do giá cao su tự nhiên thế giới vẫn thấp hơn giá cao su tự nhiên nội địa nên nguồn cao su nhập khẩu vẫn tràn ngập thị trường Ấn Độ. Bình luận về vấn đề sản xuất cao su nội địa, Thomson M, người trồng cao su tại Waynad, cho biết nếu giá cao su nội địa giảm thấp hơn 120 Rupees/kg thì sẽ người trồng sẽ thua lỗ. Ông cho biết thêm giá hỗ trợ từ chính phủ là 150 Rupees/kg nhưng các khoản thanh toán thường chậm trễ tới hàng tháng, khiến nông dân vẫn gặp khó khăn trong duy trì sinh kế.
Năm 2017, GDP thế giới tăng trưởng 3,8%, là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2011, kỳ vọng nhu cầu thế giới tăng có thể kéo giá cao su tự nhiên tăng. Các động thái hạn chế xuất khẩu cao su tự nhiên hồi đầu năm 2018 từ ba nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới là
Thái Lan, Indonesia và Malaysia, cũng được kỳ vọng sẽ là yếu tố tác động tích cực lên giá cao su tự nhiên thế giới.