Từ nhiều năm nay, cứ vào mùa mưa thì vùng trồng cao su thuộc các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai lại bắt đầu “cuộc chiến” với bọ đen (hay còn gọi là bọ đậu đen).
Đây là loài bọ cánh cứng có thân hình chỉ bằng hạt tiêu, hạt đậu, đen tuyền, chuyên ăn lá mục... với số lượng lên đến hàng trăm nghìn, hàng triệu con bay như mưa đủ che mù trời những đêm trăng sáng.
Hãi hùng
Từ 24 - 30/5 vừa qua, một tuần liên tục, bọ đen đổ bộ vào nhà ông Vũ Văn Hùng, ấp 6, xã Nha Bích (huyện Chơn Thành, Bình Phước) bữa ít nhất gom được 5 bao (loại 50 kg/bao) bữa nhiều lên đến 12 bao. Trong ấp 6, nhà ông Hùng thuộc diện “thường thường bậc trung” còn những nhà nhiều hơn như nhà Mười Lùn, Ba Vấn thì số lượng mỗi đêm lên đến cả tấn.
Không những chỉ ở vùng sâu vùng xa, năm nay bọ đen còn tấn công ra cả những nhà có mặt tiền quốc lộ 14, từ xã Nha Bích lên xã Minh Thắng, Minh Lập, có đến non nửa số nhà được bọ đen "ghé thăm". Nhà ông Hoàn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, nhà ông Sỹ, Hội Cựu chiến binh xã cũng gom được vài bao mỗi đêm.
Tuy không cắn, không chích mà chỉ chui rúc nhưng bọ đen cũng gây hại đáng kể qua việc mất ăn, mất ngủ, mất thời gian quét dọn mỗi ngày vài ba mươi lần và cái mùi hăng hắc nồng nặc rất khó chịu.
Do lần đầu chưa biết nên 4 công nhân trang trại quê Con Cuông, Nghệ An chống bọ đen bằng cách đóng chặt cửa chính, cửa sổ, ém mùng thiệt chặt, mở quạt số lớn nhưng đến khoảng 2 giờ sáng thì phải tháo chạy ra vườn với cặp mắt sưng vù, giàn giụa nước mắt.
Ngày 23/5 vừa qua, ông Hùng mua từ Chợ Lách (Bến Tre) 400 cây giống bông giấy, 20 cây sa kê chưa kịp trồng thì bị bọ đen bâu vào, tất tần tật đều bị cháy lá và 5 ngày sau thì chết khô đến phân nửa.
Năm 2007, bọ đen tấn công nhà ông Dàn, Trưởng trạm Thú y huyện Bình Long buộc ông bác sỹ thú y này phải phóng hỏa đốt luôn nhà nhưng căn nhà lá 3 gian đầy đủ mái, cột kèo, rui mè mà không đủ đốt cháy chúng, phải phụ thêm 50 lít dầu. Trên nền nhà cũ ông Dàn xây nhà tường, lợp ngói nhưng bọ đen vẫn cứ đến buộc ông phải bỏ ngói thay bằng tôn (không trần) thì mới gọi là “sống chung với bọ đen” được.
Khống chế
Sự xuất hiện dịch bọ đen gắn với sự phát triển của các cánh rừng
cao su. Thảm lá cao su rụng hàng năm không những là thức ăn bổ dưỡng mà còn là nơi cư ngụ lý tưởng khiến cho chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh và việc di chuyển đầu mùa mưa hàng năm là do mật số quá dày đặc buộc chúng tìm thêm nơi cư ngụ mới.
Bởi vậy biện pháp khống chế dịch bọ đen hiệu quả nhất đấy là gom đốt lá cao su hàng năm, khi cao su vừa rụng lá xong. Việc gom đốt này không mất nhiều công sức, một người một đêm có thể canh lửa đốt lá cả vài ba chục ha, tuy nhiên thảm lá cao su lại là nguồn hữu cơ rất tốt, việc tiêu hủy chúng chẳng những gây tạo điều kiện cho xói mòn, rửa trôi mà còn phải tăng hàm lượng phân bón lên đáng kể để bù đắp.
Theo nhiều trang trại cao su, nếu không đốt lá thì có thể giảm lượng phân bón 30 - 40% nhưng vẫn đảm bảo năng suất. Con số trên vô cùng ý nghĩa, nhất là khi giá mủ xuống thấp như hiện nay.
Hơn 10 năm trước, qua khảo nghiệm nhiều loại thuốc BVTV, Chi cục BVTV tỉnh Bình Dương nhận thấy hiệu quả diệt trừ cao nhất, an toàn nhất thuộc về thuốc tẩm mùng ngừa sốt rét có hoạt chất Permethrin được phân phối bởi cơ quan phòng chống dịch.
Hàng chục năm nay thuốc này vẫn được nhiều nông dân tin dùng trong việc trừ muỗi, diệt bọ đen và bọ xít muỗi hại hoa điều. Trước đây chỉ có cơ quan y tế mới có thuốc tẩm mùng nhưng 2 năm nay rất nhiều công ty có sản phẩm này và đăng ký dưới dạng thuốc trừ sâu.
Điều phân vân là tuy cùng hoạt chất, cùng giá (600.000 đồng/lít) nhưng sản phẩm thuốc gia dụng có tiêu chuẩn an toàn cao hơn nhiều so với thuốc BVTV, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc dùng thuốc này tẩm mùng chắc chắn khác xa với khuyến cáo của các Cty thuốc BVTV ở Việt Nam, đó cũng là chưa kể xuất xứ của hoạt chất và các phụ gia.
Năm 2008, Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH-CN) cũng từng tuyên bố là đã sản xuất thành công thuốc phòng ngừa bọ đen bằng tinh dầu thảo mộc kêt hợp với bạc nano nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy bóng dáng trên
thị trường.
Việc sử dụng dầu hỏa (hoặc dầu diezel) để diệt và xua đuổi bọ đen đang được nhiều người ở huyện Chơn Thành (Bình Phước) áp dụng và mang lại hiệu quả rõ rệt.
Theo ông Hoàng Văn Hiến, người tình cờ phát hiện ra tác dụng phụ của dầu hỏa cho biết, dầu hỏa không những có tác dụng diệt bọ đen mà còn có tác dụng xua đuổi và hiệu quả lâu dài.
Đêm 28/5, lúc 1 giờ sáng, người viết bài này được mục sở thị việc sử dụng dầu hỏa tại nhà ông Vũ Văn Hùng, ấp 6, xã Nha Bích, khi phun thuốc tẩm mùng thì những con bọ trúng thuốc rơi xuống như mưa nhưng bọn chúng vẫn lao đến áp đảo, khi chuyển sang phun bằng dầu thì số lượng chết tại chỗ cũng bằng với khi phun thuốc nhưng điều đặc biệt là đàn bọ chuyển dần lên bay ở tầm cao hơn, thưa dần và đến gần 4 giờ sáng thì dứt hẳn.
Theo ông Hiến, nếu dùng thuốc thì mặc dù chúng chết gần hết nhưng đêm sau lại mò đến, còn dùng dầu thì lượng bọ đến chỉ còn khoảng 5% so với trước.
Ông Hoàng Văn Hiến khẳng định nhà ông đã dùng dầu diezel phun đuổi bọ đen 6 năm nay và mỗi năm chỉ phun nhắc lại 1 lần vào đầu mùa mưa thì đã chấm dứt được sự hoành hành của “giặc bọ đen”.
Ông Hiến cũng khuyên, nếu được nên trộn 50% dầu hỏa với 50% dầu diezel thỉ hiệu quả càng tốt hơn, tùy theo diện tích nhà, trung bình mỗi lần phun chỉ cần khoảng 15 lít, phun cả trong và ngoài nhà, phun cả mái. Với
giá dầu đang thấp như hiện nay thì lại càng kinh tế.