Vừa qua, Ban Công nghiệp Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su tổ chức Lớp tập huấn Quy trình công nghệ chế biến cao su SVR 10, SVR 5S từ latex (mủ nước).
Theo ông Nguyễn Hoàng Thái, Phó Ban Công nghiệp VRG, tình hình
cao su thiên nhiên giảm giá sâu, đặc biệt là vào năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, kéo theo việc tiêu thụ
mủ cao su SVR 3L rất khó khăn. Trong bối cảnh đó, phải có giải pháp để tăng lượng tiêu thụ cũng như đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Lãnh đạo Tập đoàn đã yêu cầu phải tìm giải pháp để giải quyết những khó khăn nêu trên bằng cách sản xuất ra một chủng loại khác để thay thế SVR 3L. Với nguồn nguyên liệu latex – nguồn nguyên liệu chủ yếu được thu từ đại điền trước đây dùng để sản xuất SVR 3L vốn khó tiêu thụ, nhưng với dây chuyền SVR 3L hiện có, chỉ cần điều chỉnh quy trình ở các công đoạn đánh đông, cán và gia công nhiệt thì có thể sản xuất được 2 chủng loại mới là SVR 5S và SVR 10 từ latex.
Qua quá trình sản xuất thử và chào bán, khách hàng nước ngoài đã chấp nhận và cam kết tiêu thụ dài hạn. Từ đó, Ban Công nghiệp tiến hành xây dựng các quy trình chế biến trên cơ sở thực tiễn sản xuất tại các đơn vị. Quy trình có sự tham gia xây dựng và đóng góp từ Viện Nghiên cứu Cao su VN, Công ty CP Cao su Phước Hòa, TCT Cao su Đồng Nai… vào tháng 12/2015 và tháng 5/2016, VRG đã ban hành 2 quy trình chế biến SVR 5S và SVR 10 từ latex.
Cân nhắc hiệu quả theo từng thời điểm
Cũng theo ông Thái, qua quá trình đi vào sản xuất 2 chủng loại sản phẩm SVR 5S và SVR 10 từ latex, có thuận lợi nhưng cũng gặp khó khăn. “Trong lúc
thị trường khó tiêu thụ SVR 3L, cùng loại nguyên liệu latex thay vì chế biến SVR 3L tiêu thụ rất chậm, chúng ta dùng để chế biến SVR 10 và SVR 5S, hai chủng loại này được tiêu thụ khá tốt.
Việc chuyển đổi sang 2 chủng loại mới, không cần phải đầu tư dây chuyền mới, mà sử dụng dây chuyền SVR 3L hiện có cộng với một số điều chỉnh ở các công đoạn thì có thể sản xuất. Có thể dùng toàn nguyên liệu latex có chất lượng “xấu” để chế biến SVR 10 và SVR 5S mới như mủ cạo từ vườn cây tận thu, mủ đông lợn cợn hoặc latex có màu xám – đen từ các dòng vô tính RRIV 106, RRIV 107”, ông Thái cho biết.
Hai quy trình mới ứng với 2 loại sản phẩm mới đi cùng với thị trường tiêu thụ và giá bán là một rào cản hạn chế số lượng các công ty trong và ngoài Tập đoàn sản xuất các chủng loại này. Tuy nhiên, nếu sản xuất với chất lượng ổn định, có hiệu quả, khách hàng dần làm quen và tiêu thụ ổn định thì đây là lợi thế cho những đơn vị sản xuất.
Hiện nay, VRG có 4 công ty sản xuất chủng loại này nhưng chủ yếu tập trung ở TCT Cao su Đồng Nai và Công ty CP Cao su Phước Hòa. “Tuy nhiên, vì là sản phẩm mới, quy trình mới, nên các đơn vị chưa có kinh nghiệm; muốn vậy phải sản xuất thử và cần phải mất thời gian và chi phí. Trong bối cảnh SVR 3L tiêu thụ khó khăn, nhưng khi thị trường khởi sắc, SVR 3L ổn định thì giá thành sản xuất và giá bán của SVR 5S và SVR 10 từ latex khó cạnh tranh nổi so với SVR 3L. Tính hiệu quả kinh tế cũng như việc đa dạng sản phẩm là bài toán mà mỗi công ty cần phải cân nhắc kỹ”, ông Thái nhấn mạnh.