Lợi nhuận ngành cao su – săm lốp cùng đi xuống

01/09/2016
 Lợi nhuận ngành cao su – săm lốp cùng đi xuống
Mặc dù giá cao su đã có sự phục hồi đáng kể trong những tháng đầu năm 2016, nhưng lợi nhuận của các DN cao su thiên nhiên vẫn chưa thể cải thiện. Trong khi đó, diễn biến này cùng với sự cạnh tranh từ hàng Trung Quốc đã khiến các DN săm lốp lại chịu thêm nhiều áp lực, dẫn đến kết quả kinh doanh có phần giảm sút.
 
Cao su thiên nhiên vẫn khó khăn
 
Trong quý II-2016, do ảnh hưởng của thời tiết xấu, sản lượng cao su sản xuất được thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Các chi phí phát sinh liên quan đến giai đoạn đầu mùa cạo mủ làm gia tăng giá thành sản xuất và làm giảm lợi nhuận trong kỳ. Do vậy, kết quả kinh doanh của các DN cao su trong quý II-2016 vẫn kém khả quan so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Theo báo cáo tài chính quý II-2016 của Công ty CP Cao su Hòa Bình (HRC), doanh thu thuần trong kỳ chỉ đạt được hơn 1 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp cũng giảm 31%, xuống còn 561 triệu đồng. Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, Công ty đã cắt giảm mạnh nhiều khoản chi phí, cùng với khoản thu hơn 2 tỷ đồng từ hoạt động khác đã giúp công ty lãi ròng được 1,7 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, so với quý II-2015, mức lãi này vẫn giảm gần 70%. Theo giải trình của HRC, nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm là do giá bán mủ và sản lượng tiêu thụ quý II-2016 giảm so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, diện tích thanh lý cây cao su để tái canh trồng mới trong kỳ cũng giảm nên lợi nhuận khác giảm theo. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, HRC đạt gần 15 tỷ đồng doanh thu và 4,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 56% và 83% so với 6 tháng đầu năm 2015.
 
Trong khi đó, Công ty CP Cao su Tây Ninh (TNC) lại ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của sự tăng trưởng này không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà nhờ vào khoản thu nhập từ cổ tức. Cụ thể, trong quý II-2016, TNC đạt 12 tỷ đồng doanh thu, giảm 50% so với quý II-2015. Nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn nên Công ty thu được 669 triệu đồng lợi nhuận gộp, tăng 53% so với quý II-2015.
 
Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ đạt tới 19,6 tỷ đồng, tăng gần 18 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế đạt được 18 tỷ đồng, tăng 15 tỷ đồng so với quý II-2015. Theo giải trình của TNC, doanh thu hoạt động tài chính tăng gần 18 tỷ đồng trong kỳ là do Công ty CP Dịch vụ XNK Nông lâm sản và phân bón Bà Rịa trả cổ tức năm 2014 và 2015. Ngoài ra, Công ty cũng tiết kiệm được hơn 1,2 tỷ đồng chi phí quản lý DN. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, Công ty đạt 19 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 137% so với cùng kỳ năm trước.
 
Giá cao su bước vào giai đoạn tăng giá từ tháng 01-2016 đến tháng 4-2016, sau đó bắt đầu xu hướng đi xuống. Trong tháng 5-2016, giá cao su đã giảm 13,4%và khá ổn định trong tháng 6-2016. Yếu tố chu kỳ là nguyên nhân chính dẫn đến diễn biến của giá cao su trong nửa đầu năm, do cây cao su rụng lá vào quý I và bắt đầu thu hoạch trở lại từ tháng 4. Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia của Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), chu kỳ phục hồi năm 2016 đã diễn ra mạnh hơn và kéo dài hơn đáng kể so với các năm trước, với mức tăng giá 74,3% và thời gian tăng kéo dài từ tháng 01 đến cuối tháng 4.
 
Theo nhận định của BSC, ở mức giá hiện tại, giá cao su đang cao hơn 7% so với mức giá trung bình 2015. Tuy nhiên, nhiều khả năng giá cao su sẽ theo đà giảm trong quý III-2016, do sản lượng cao su thu hoạch bắt đầu tăng cao gây áp lực giảm lên giá. Mặc dù vậy, căn cứ vào diễn biến giá cao su 6 tháng đầu năm 2016 và xu hướng giá dầu ở mức cao hỗ trợ nguồn cầu cho giá cao su, BSC cho rằng mức giảm giá cao su trung bình trong năm nay sẽ không nhiều. Bên cạnh đó, BSC lưu ý khả năng tác động của La Nina trong nửa cuối 2016 ảnh hưởng đến nguồn cung cao su của các nước sản xuất lớn. Cụ thể, trong năm 2011, La Nina đã gây lũ lụt ở Thái Lan, nâng giá cao su lên mức cao nhất trong lịch sử.
 
Săm lốp thêm áp lực
 
Bên cạnh niềm hy vọng cho các DN cao su thiên nhiên thì việc giá cao su tăng lại đem đến không ít lo ngại cho các DN sản xuất săm lốp. Cụ thể, trong quý II-2016, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý DN của Công ty CP Cao su miền Nam (CSM) đã giảm đáng kể nhưng do doanh thu giảm khiến lợi nhuận trong kỳ giảm mạnh. Cụ thể, trong quý II-2016, CSM đạt 806 tỷ doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm gần 36% so với quý II-2015, doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm 91%, đạt 435 triệu đồng.
 
Do đó, lợi nhuận sau thuế trong kỳ chỉ còn lại 62 tỷ đồng. Theo ông Phạm Hồng Phú, Tổng Giám đốc CSM, doanh thu giảm chủ yếu do trong kỳ Công ty không ghi nhận doanh thu kinh doanh bất động sản và giá bán hàng cũng giảm so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế của CSM đạt 124 tỷ đồng, giảm 22% so với 6 tháng đầu năm 2015.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Công ty CP Cao su Sao Vàng (SRC) lãi ròng 38 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo tài chính của SRC, chi phí bán hàng trong kỳ đạt tới 21 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2015. Qua đó cho thấy Công ty tập trung khá nhiều cho hoạt động bán hàng. Tuy nhiên, doanh thu trong kỳ vẫn giảm nhẹ 5%, đạt 447 tỷ đồng. Tương tự, tại Công ty CP Cao su Đà Nẵng, doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2016 cũng sụt giảm nhẹ, đạt lần lượt 1.724 tỷ đồng và 198 tỷ đồng.
 
Trong một báo cáo về triển vọng ngành vừa được công bố, BSC nhận định sản lượng tiêu thụ săm lốp kỳ vọng tăng 20% trong năm 2016 do sức tiêu thụ ô tô tăng 31% trong 5 tháng đầu năm 2016 thúc đẩy tăng trưởng phân khúc thay thế. Cùng với đó, sản lượng ô tô lắp ráp trong nước năm 2016 được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nhanh sẽ thúc đẩy nhu cầu thay mới sản phẩm. Cụ thể, hai Doanh nghiệp là TMT và Thaco đã bắt đầu sản xuất xe ô tô tải nặng trong năm 2016 với công suất thiết kế là 30.000 xe.
 
Thaco dự kiến tăng thêm công suất là 100.000 xe tải và 100.000 xe buýt, chuẩn bị cho tiến trình hội nhập toàn khu vực ASEAN vào năm 2018 khi thuế suất ô tô nội khối về 0%. Tuy nhiên, giá bán sản phẩm săm lốp lại đi xuống do áp lực cạnh tranh cao với hàng Trung Quốc. Theo thống kê của BSC, giá bán trung bình của CSM đã giảm gần 20% so với cùng kỳ 2015. Giá bán sản phẩm của DRC cũng giảm trung bình 8 – 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, do cao su nguyên liệu chiếm khoảng 56% chi phí nguyên liệu đầu vào của các DN săm lốp nên việc giá cao su tăng trong những tháng đầu năm 2016 đã tác động làm giảm đáng kể biên lợi nhuận gộp của các DN săm lốp.
CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ HUY HOÀNG MINH
Trụ sở: 1/18 Trần Bình Trọng, P.5, Q. Bình Thạnh, Tp HCM
VPGD: 499/9 Lê Quang Định, P.1, Q. Gò Vấp, Tp HCM
Hotline: 0908961396 - Kỹ thuật: 0913 5454 82 - CSKH: 028 3601 8286
 
          

SỰ HÀI LÒNG CỦA QUÝ KHÁCH LÀ THÀNH CÔNG CỦA CHÚNG TÔI
Hoàng Minh
tạp chí cao su